NỘI QUY, QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MÁY XÚC, MÁY ỦI, MÁY KHOAN
THI CÔNG TẠI CÔNG TRƯỜNG
I. Thời gian làm việc:
- Tùy theo thời gian làm việc mùa hè, mùa đông Công ty có thông báo quy định thời gian làm việc cụ thể.
- Người lao động luôn phải chấp hành nghiêm chỉnh thời gian làm việc (giờ đi, giờ về) theo quy định của Công ty và theo sự điều động của Đội trưởng, Ban Chỉ huy công trường.
- Đầu mỗi ca làm việc, công nhân vận hành các thiết bị xe, máy phải có mặt trước 30 phút để nhận xe, thiết bị, kiểm tra đảm bảo an toàn, kỹ thuật.
Ví dụ: Buổi sáng ca 1 làm việc từ lúc 6h00’ đến 11h30’. Đúng 6h00’ máy hoạt động, công nhân phải có mặt lúc 5h30’ để nhận xe, kiểm tra đảm bảo an toàn, kỹ thuật trước khi vận hành.
II. Quy định trước, trong và sau khi vào ca lái máy
1. Trước khi vào ca lái máy:
- Phải kiểm tra tình trạng máy móc, thiết bị: Bơm mỡ, kiểm tra dầu động cơ, nước làm mát, nhiên liệu và các bộ phận khác của thiết bị,...
- Nếu phát hiện máy móc gặp sự cố, hỏng hóc thì phải thực hiện đúng quy trình sau: Báo ngay với Đội trưởng, Ban Chỉ huy công trường. Đối với các hỏng hóc, sự cố nhỏ thì tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay tại chỗ. Đối với các hỏng hóc, sự cố lớn thì phối hợp với thợ sửa chữa của Công ty hoặc thợ thuê bên ngoài khắc phục sự cố, đưa máy vào hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể.
2. Trong quá trình vận hành máy:
- Thực hiện đúng quy định về an toàn lao động trong khi thi công tại công trường.
- Vận hành thao tác đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho thiết bị, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động.
- Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho máy móc, thiết bị trong suốt quá trình vận hành.
- Tuyệt đối không được uống rượu, bia, chất kích thích khác trước và trong giờ làm việc.
- Hạn chế tối đa các sự cố xảy ra và nếu gặp sự cố phải thực hiện theo đúng quy trình trên
- Ghi chép đầy đủ nhật trình máy theo đúng quy định của Công ty và Công trường.
3. Sau khi hết ca làm việc:
- Tiến hành kiểm tra tình trạng máy móc, thiết bị; nạp nhiên liệu, vệ sinh máy móc, bơm mỡ, kéo kính, đóng hết cửa, khóa máy trước khi bàn giao cho người ca sau.
- Báo cáo tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị với Đội trưởng, Tổ trưởng hoặc BCH Công trường.
- Nếu gặp sự cố hỏng hóc, thì thực hiện đúng quy trình trên.
III. Hành vi vi phạm nội quy:
- Cán bộ, công nhân viên đi làm trễ, về sớm so với quy định, ngồi chơi trong giờ làm việc.
- Không tuân thủ các nội quy, an toàn lao động như: uống rượu, bia trước và trong khi làm việc; không mang bảo hộ lao động,…
- Tự ý giao máy móc, thiết bị cho người khác vận hành thay mà không có sự đồng ý của cấp quản lý.
- Máy móc, thiết bị cuối ca không được nạp nhiên liệu, bảo dưỡng, vệ sinh, bơm mỡ.
- Xúc đá to quá cỡ so với quy định của máy nghiền.
IV. Hình thức xử lý vi phạm
- Đối với các hình thức vi phạm như mục III nêu trên, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000đ (trừ vào lương).
- Những người quản lý, nếu phát hiện vi phạm mà không báo cáo lên Ban Chỉ huy công trường thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000đ.
- Đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất và con người, Ban Chỉ huy Công trường sẽ thảo luận và đưa ra các mức phạt khác tùy vào mức độ vi phạm và thiệt hại về tài sản của đơn vị.
- Riêng trường hợp để xảy ra tai nạn gây thiệt hại về người, thì người vận hành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật của Nhà nước.
V. Điều khoản thi hành:
- Nội quy, quy định này là cơ sở để Công ty xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình sử dụng vận hành máy xúc, máy ủi, máy khoan.
- Nội quy được phổ biến đến từng công nhân thuộc Đội lái máy. Mọi nhân viên có ý thức và trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh nội quy này.
- Nội quy, quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015./.